Tong hop cac quy tac ung xu cua nguoi Nhat

Tổng hợp các quy tắc ứng xử của người Nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Học quy tắc ứng xử của người Nhật (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: 河村友歌)

Người ta thường có câu “Nhập gia tùy tục”. Để tránh những khoảnh khắc bối rối không cần thiết, tại sao bạn không học thử một số quy tắc ứng xử cơ bản của người Nhật trước khi đến đất nước này nhỉ? Chúng không quá rắc rối như bạn đã từng nghĩ đâu!

1. Cách ngồi chuẩn mực
Ở Nhật Bản, việc ngồi thẳng lưng trên sàn nhà đã trở thành một nét văn hóa truyền thống. Chúng ta thường thấy người Nhật ngồi quây quần xung quanh chiếc bàn thấp được đặt trên sàn nhà vào bữa ăn, hoặc họ cũng sẽ ngồi ngay ngắn trên sàn trong những buổi trà đạo và các sự kiện truyền thống khác.

Cách ngồi chuẩn mực cho cả nam và nữ là quỳ (seiza). Những người không quen ngồi theo kiểu seiza có thể sẽ cảm thấy khó chịu chỉ sau vài phút ngồi thử. Người nước ngoài thường không thể ngồi theo kiểu seiza trong một khoảng thời gian dài và ngày nay, nhiều người Nhật Bản cũng không thể thực hiện được điều đó.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Nữ ngồi theo kiểu seiza (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: きせんひろみ)

Trong cuộc sống hàng ngày, đàn ông thường ngồi khoanh chân, trong khi phụ nữ đưa cả hai chân sang một bên. Kiểu ngồi khoanh chân được coi là kiểu ngồi độc quyền của nam, trong khi kiểu xếp hai chân sang một bên được coi là kiểu ngồi độc quyền của nữ.

Bạn cũng nên lưu ý thứ tự chỗ ngồi của người Nhật. Vị khách quan trọng nhất sẽ ngồi trên ghế vinh dự (kamiza) ở xa lối vào nhất. Nếu trong phòng có tokonoma (góc phòng hơi thụt vào trong so với vách tường và được trang trí), khách nên ở đằng trước tokonoma. Chủ nhà hoặc người ít quan trọng nhất sẽ ngồi cạnh lối vào (shimoza).

2.Cách chào hỏi
Ở Nhật Bản, mọi người chào nhau bằng cách cúi đầu.

Cái cúi đầu có thể là một cái gật đầu nhẹ hoặc cúi hẳn người xuống. Càng nghiêng người xuống thấp càng thể hiện sự tôn trọng. Ngược lại, một cái gật đầu nhẹ thì đơn giản và thân mật hơn. Nếu màn chào hỏi diễn ra trên chiếu tatami, mọi người sẽ quỳ gối cúi đầu. Cúi đầu dùng cho nhiều mục đích như cảm ơn, xin lỗi, đưa ra yêu cầu hoặc nhờ ai đó giúp đỡ.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Cúi đầu chào khách (nguồn ảnh: pakutaso.com, model: きせんひろみ)

Hầu hết người Nhật không mong đợi người nước ngoài biết các quy tắc lễ nghi cúi đầu thật tường tận mà chỉ cần một cái gật đầu là đủ. Người Nhật không thường sử dụng bắt tay chào hỏi, tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ

Tại các cuộc họp, mọi người trao đổi danh thiếp trong lúc giới thiệu.

Tại các cửa hàng và nhà hàng, khách hàng thường được các nhân viên chào đón bằng lời chào “Irasshaimase”. Khách hàng không nhất thiết phải chào lại, hoặc có thể cúi đầu nhẹ đáp lại.

3. Cách tặng quà
Tặng quà là một phần nghi lễ phổ biến của văn hóa Nhật Bản. Những món quà khác nhau được tặng vào các dịp khác nhau. Người Nhật cũng rất chú ý tới việc bọc quà. Nếu không gói thật đẹp thì ít nhất bạn nên đặt món quà trong túi, và tốt nhất là một chiếc túi của cửa hàng bạn mua món quà đó. Người Nhật thường tránh tặng quà với số lượng bốn vì họ cho rằng đó là con số không may mắn (từ tiếng Nhật của số bốn được phát âm giống như từ “cái chết”). Khi trao một món quà, cả người tặng và người nhận đều sử dụng cả hai tay trao và nhận.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Sử dụng cả hai tay khi trao và nhận quà (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Omiyage và Temiyage: Omiyage là những món quà lưu niệm mang về sau một chuyến đi, trong khi temiyage là những món quà cảm ơn khi đến thăm ai đó. Khách du lịch Nhật Bản có xu hướng mua rất nhiều quà lưu niệm cho bạn bè, người thân và đồng nghiệp của họ. Do đó, các điểm du lịch và sân bay có nhiều cửa hàng lưu niệm chuyên về các sản phẩm địa phương.

Khi du khách nước ngoài gặp gỡ bạn bè hoặc một gia đình chủ nhà ở Nhật Bản, họ không nhất thiết phải mang theo quà tặng, nhưng nếu có sẽ là một cử chỉ tốt đẹp và được đánh giá cao. Các quà tặng phổ biến là đồ ăn, đồ uống hoặc các sản phẩm khác từ đất nước của bạn. Quà tặng không nên quá rẻ hoặc quá đắt – thường là từ 1000 đến 5000 yên. Cần lưu ý rằng một số loại đồ ăn và thực vật bị hạn chế khi đi qua Hải quan.

Ochugen và Oseibo: Hai lần một năm, vào tháng Sáu và tháng Mười Hai, thông thường các đồng nghiệp, bạn bè và người thân trao đổi quà tặng. Những món quà đó được gọi là Ochugen và Oseibo. Trung bình, chúng có giá trị khoảng 5000 yên và có thể là đồ ăn, rượu, đồ gia dụng hoặc những thứ tương tự khác.

Sinh nhật và giáng sinh: Tặng quà vào ngày sinh nhật và Giáng sinh ban đầu không phải là nghi lễ truyền thống của Nhật Bản. Do ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây nên một số gia đình và bạn bè trao đổi quà tặng trong những dịp lễ này.

4. Cách dùng danh thiếp
Nếu bạn tới Nhật Bản công tác, danh thiếp của bạn ít nhất phải có tiếng Nhật ở một mặt. Tại sao? Điều này sẽ thể hiện cho các đối tác tiềm năng ở Nhật Bản thấy rằng bạn nghiêm túc, hiểu và tôn trọng văn hóa của họ. Để ý tới điều nhỏ này này có thể thiết lập niềm tin và tối đa hóa cơ hội làm ăn của bạn.

Hướng dẫn trao đổi danh thiếp:
1. Danh thiếp được trao đổi khi bắt đầu một cuộc họp; bạn nên đảm bảo có đủ cho mọi người. 2. Tốt nhất là bạn phải đứng lên khi trao đổi danh thiếp với những người có cấp bậc cao hơn.
3. Ở trước mặt đối tác, bạn nên cúi đầu nhẹ và đưa danh thiếp (với đầu danh thiếp hướng lên trên) bằng tay phải hoặc cả hai tay. Quy tắc tương tự được áp dụng khi nhận danh thiếp từ người khác.
4. Dành thời gian để xem xét danh thiếp đối tác một cách cẩn thận. Bạn có thể đọc lên tên và vị trí của đối tác để chắc chắn phát âm đúng. Nếu bạn cảm thấy khó hiểu về vị trí chức vụ của đối tác thì nên hỏi một cách rõ ràng. Về cơ bản, bạn nên thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với bên kia.
5. KHÔNG nhét danh thiếp vào túi quần sau của bạn!
6. Nếu bạn đang ở trước mặt đối tác, bạn có thể cẩn thận đặt danh thiếp vào túi áo sơ mi, trong ví hoặc sổ ghi chép.
7. Nếu bạn đang ngồi trong một cuộc họp, hãy đặt danh thiếp nhẹ nhàng lên bàn trước mặt bạn. Nhìn vào thường xuyên trong cuộc họp để tham khảo chính xác tên và vị trí của đối tác. Nếu bạn đang gặp gỡ nhiều người và đã nhận được rất nhiều danh thiếp, hãy sắp xếp chúng ngay ngắn trước mặt bạn.
8. Người Nhật trao danh thiếp rất nhanh. Hãy cẩn thận để không bị rơi! Đưa danh thiếp của bạn cho bất cứ ai mà bạn muốn được liên lạc lại. Bạn có thể sẽ nhận được rất nhiều danh thiếp trong thời gian ở Nhật Bản.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Nhận danh thiếp từ người khác (nguồn ảnh: pakutaso.com)

5. Tên và danh xưng
Thứ tự họ tên: Giống như Việt Nam, người Nhật cũng xếp họ ở trước tên riêng. Do đó, một người có tên “Ichiro” và họ “Suzuki” được gọi là “Suzuki Ichiro” chứ không phải là “Ichiro Suzuki”.

Họ: Hầu hết các họ trong tên của người Nhật Bản bao gồm hai chữ Hán. Ý nghĩa của nhiều chữ Hán được sử dụng trong họ có liên quan đến thiên nhiên, đặc điểm địa lý hoặc địa điểm, ví dụ: núi (yama), cây (ki), cánh đồng lúa (ta), đảo (shima), làng (mura), cây cầu (hashi), giữa (naka), bên dưới (shita) v.v … Một số tên gia đình phổ biến nhất của Nhật Bản là Sato, Suzuki, Takahashi, Tanaka và Watanabe.

Tên: Tên của người Nhật cũng thường bao gồm hai chữ Hán. Ý nghĩa của những chữ Hán đó thường thể hiện những đặc điểm tốt như trí thông minh, vẻ đẹp, tình yêu hay ánh sáng, tên của hoa, bốn mùa và các hiện tượng tự nhiên khác, hoặc thứ tự sinh (con trai đầu, con trai thứ hai, v.v.). Vì khá nhiều chữ Hán có cách phát âm giống hệt nhau, nên nhiều tên được phát âm giống nhau nhưng không nhất thiết phải được viết bằng cùng một chữ Hán. Ví dụ, có khoảng năm cách viết phổ biến cho tên Yoko, tùy thuộc vào chữ Hán cho từ “Yo”. Giới tính của một người có thể được đoán bằng cách kết thúc tên của họ. Tên kết thúc bằng -ro, -shi, -ya hoặc -o thường là tên của nam, trong khi tên kết thúc bằng -ko, -mi, -e và -yo thường là tên của nữ. Tên của người nước ngoài thường được viết bằng katakana.

Danh xưng: Khác với người Việt Nam thường gọi nhau bằng tên thì người Nhật thường gọi nhau bằng họ. Chỉ những người bạn thân và trẻ em thì sẽ được gọi bằng tên. Ngoài ra, mọi người hiếm khi xưng hô với nhau chỉ bằng tên, mà thường gắn một danh xưng thích hợp vào tên. Có một số lượng lớn các danh xưng như vậy tùy thuộc vào giới tính và vị trí xã hội của người đối diện bạn. Một số danh xưng được sử dụng thường xuyên nhất là:  
– san (ví dụ Sato-san): Đây là danh xưng trung lập và phổ biến nhất, có thể được sử dụng trong hầu hết các tình huống.
– sama (ví dụ Sato-sama): Đây là một hình thức lịch sự hơn của san, thường được sử dụng đối với khách hàng hoặc trong văn bản chính thức, nhưng sẽ gây cảm giác mất tự nhiên trong văn nói thông thường
– kun (ví dụ Yusuke-kun): Đây là danh xưng không trang trọng được sử dụng cho các chàng trai và những người đàn ông trẻ hơn mình.
– chan (ví dụ Megumi-chan): Đây cũng là một danh xưng không trang trọng được sử dụng cho trẻ nhỏ và bạn bè thân thiết hoặc thành viên gia đình.
– sensei (ví dụ Sato-sensei): Đây là danh xưng được sử dụng cho giáo viên, bác sĩ và những người khác có trình độ học vấn cao hơn.

Seimei Handan: có thể được hiểu là việc phân tích tên – một loại bói toán liên quan tới tên của mỗi người. Các lý thuyết của nó xoay quanh số lượng các nét chữ của một cái tên.

Tùy thuộc vào tổng số nét của cả tên và số nét của mỗi phần trong tên mà người ta sẽ phán đoán cái tên đó là tốt hay xấu. Một số người thường tham khảo Seimei Handan khi lấy tên nghệ danh hoặc đặt tên cho con cái.

6. Khi ở trong nhà người Nhật
Genkan
Genkan là để chỉ ranh giới giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà – khu vực giữa cổng chính và phòng khách. Đó là nơi để mọi người tháo giày dép và đặt ở đó trước khi vào trong nhà. Một lưu ý quan trọng là bạn không được dẫm lên genkan mà hãy ngồi xuống để tháo giày rồi đặt ngay ngắn ở vị trí định sẵn trong nhà trước khi bước vào.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Để dép ngay ngắn ở genkan (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Từ lâu người Nhật đã có thói quen sống ngăn nắp và gọn gàng, vì vậy đi giày vào nhà là tự mang mầm bệnh cho mình cũng như cho chủ nhà, đồng thời đây cũng là ý thức tôn trọng sự riêng tư của chủ ngôi nhà đang sống ở đây. Sàn nhà là nơi chủ yếu diễn ra sinh hoạt của người Nhật vì thế họ luôn giữ cho mình một sàn nhà sạch sẽ.

Đồng thời, hãy đảm bảo rằng đôi tất bạn đang đi trước khi vào nhà người Nhật phải thật sạch sẽ, nhớ là đừng quên kiểm tra xem đôi tất đó có bị rách và thủng chỗ nào không nhé, vì nếu bạn tới thăm nhà người Nhật với đôi tất như vậy là thể hiện việc không tôn trọng chủ nhà. Ngoài ra, vào những ngày trời mưa, áo mưa và ô nên được để ở ngoài hoặc bọc vào những túi nilon trước khi mang vào nhà để tránh việc nước mưa làm bẩn sàn.

Quy định khi để dép đi trong nhà
Đừng quá bất ngờ khi thấy dép đi trong nhà được người Nhật sử dụng nhiều như vậy nhé. Các đôi dép đi trong nhà được chủ nhà chuẩn bị, xếp ngay ngắn theo hàng và đặt ở những vị trí nhất định. Ví dụ, khi bạn tháo giày dép tại genkan, bạn sẽ thấy những đôi dép trong nhà được xếp gọn gàng và hướng mũi vào bên trong, điều đó có nghĩa là bạn nên đi những đôi dép đó khi vào trong nhà. Nếu như bạn không đi tất thì tốt hơn là nên chuẩn bị một đôi tất sạch và dùng chúng khi đi dép trong nhà.

Tuy nhiên, khi bước vào phòng có sàn là tatami, bạn chỉ nên đi tất hoặc chân trần và đừng quên để dép ngay ngắn trước cửa phòng nhé. Phòng tatami là kiểu phòng truyền thống của Nhật Bản khi dùng các tatami- loại chiếu truyền thống và lâu đời tại Nhật trải khắp phòng sao cho phù hợp với diện tích của căn phòng.

Một điều phổ biến nữa tại Nhật là dép dùng trong nhà vệ sinh. Đừng nhầm lẫn mà sử dụng chung dép đi trong nhà với dép đi toilet nhé. Vì dép trong nhà vệ sinh sẽ là đôi dép riêng và mũi dép được đặt hướng vào toilet.

Cách để hành lý đúng cách
Bạn nên mang theo hành lý trong các vali có bánh xe thay vì kéo chúng, điều này phù hợp và dễ dàng hơn khi bạn di chuyển với hành lý. Một lưu ý khi mang hành lý vào nhà người Nhật là bạn nên di chuyển và đặt chúng ở những vị trí phù hợp. Ví dụ như khi vào phòng Tatami, chúng ta nên chú ý di chuyển hành lý thật nhẹ nhàng, tránh va đập mạnh mà làm hỏng hoặc xước sàn Tatami. Cùng với đó, hành lý nên được đặt gọn gàng và ngăn nắp trong phòng, nên đặt ở góc phòng, tránh vướng chỗ ra vào cửa chính.

7. Khi đi thăm đền chùa
Nhật Bản nổi tiếng là  một đất nước coi trọng tín ngưỡng. Trải dài khắp 47 tỉnh thành là 77,000 đền, chùa chủ yếu thờ Thần Đạo Shinto và Đức Phật. Vì vậy, người dân Nhật Bản cũng có những quan niệm và quy tắc ứng xử riêng để thể hiện sự tôn trọng đền, chùa. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp du khách biết thêm về những quy tắc khi đi thăm đền, chùa tại Nhật.

Khi đến thăm chùa tại Nhật
Điều đầu tiên là chúng ta phải tuân thủ khi đến thăm chùa tại Nhật là trang phục khi vào chùa phải lịch sự, kín đáo, không được mặc quần áo quá ngắn hoặc quá mỏng vì điều này thể hiện sự khiếm nhã và thiếu tôn trọng khi đến những nơi linh thiêng. Khi vào trong chùa, đừng ngạc nhiên khi bạn bị yêu cầu tháo giày dép và để bên ngoài nhé. Hãy để giày dép của bạn ở giá, ở genkan thật ngay ngắn và gọn gàng theo hàng với mũi giày hướng ra ngoài cửa hoặc sử dụng túi bóng sạch để gói giày dép trước khi bước vào chùa lễ Phật.  

Cùng với đó, quy tắc ứng xử và giao tiếp cũng nên trang nhã và lịch sự, thể hiện sự tôn trọng không những với nhà chùa mà còn với mọi người xung quanh. Hãy cho thấy sự tôn trọng của bạn thông qua các hành động cụ thể như: đưa ra những lời cầu nguyện ngắn gọn, chắp tay và cúi đầu thể hiện sự thành kính, bỏ đồng saisen( vật tế thần) một cách nhẹ nhàng vào hòm đựng tiền

Ở một vài ngôi chùa, du khách được phép đốt hương ở nơi quy định. Du khách có thể mua bó hương rồi đốt chúng và để một vài giây sau khi cháy rồi dùng tay quạt để dập lửa thay vì dùng miệng thổi. Sau đó, cắm hương vào bát hương theo đúng nơi quy định. Khói hương được người Nhật quan niệm có sức mạnh chữa lành bệnh và vết thương. Do đó, đừng thấy ngạc nhiên khi thấy người dân Nhật cố gắng lưu lại khói hương trên người mình

Cuối cùng, du khách có thể chụp hình lưu niệm tại các sân chùa nhưng thường thì sẽ bị cấm chụp hình khi ở bên trong. Vì vậy, hãy xem xét kỹ các biển báo và thông báo được dán bên ngoài trước khi chụp ảnh lưu niệm nhé!

Khi đến thăm Đền/Miếu tại Nhật
Người dân Nhật Bản coi đền là một nơi linh thiêng, vì vậy họ sẽ không vào đền nếu họ bị ốm hoặc có những vết thương hở do điều này được quan niệm làm ô uế và làm mất đi sự trong sạch của ngôi đền đó.

Trước khi vào đền hoặc miếu, bạn phải thực hiện nghi thức tẩy uế. Trước cổng đền, sẽ có một bể nước công cộng được đặt các gáo ngay ngắn trên đó. Mục đích là mỗi người phải tẩy sạch những ô uế trên người trước khi bước vào nơi linh thiêng. Các bước tẩy uế được tuân theo trình tự như sau:
– Múc nước từ trong bể vào gáo có sẵn.
– Lần lượt rửa sạch hai tay với lượng nước trong gáo.
– Cầm muôi bằng tay phải rồi lấy phần nước còn lại để rửa miệng( không được phép kề môi lên miệng gáo hoặc uống nước trong gáo).
– Đặt gáo trở về chỗ cũ và đặt úp xuống để gáo ráo nước.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Rửa tay ở cổng đền (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Tại sảnh, du khách ném đồng xu vào hộp đựng rồi cúi người sâu hai lần liên tiếp, vỗ tay hai lần và cúi người sâu thêm một lần nữa trước khi cầu nguyện. Nếu như có chuông hoặc chiêng, du khách nên rung chuông như một lời chào và thu hút sự chú ý tới các vị thần trước khi cầu nguyện.

8. Khi sử dụng phòng tắm
Theo quan niệm của người Nhật Bản, phòng tắm không chỉ đơn giản là nơi để tắm mà nó còn là nơi giúp chúng ta thư giãn và cân bằng lại cuộc sống sau những ngày lao động vất vả. Không giống như một số nước, nhà tắm và nhà vệ sinh được gộp luôn vào một phòng thì ở Nhật, hai phòng này sẽ được tách biệt ra hoàn toàn. Lý giải cho điều này gồm hai nguyên nhân cơ bản sau đây:
– Thứ nhất, người Nhật luôn tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Vì thế, việc tách riêng phòng tắm và toilet giúp các thành viên trong gia đình không phải sử dụng chung khi có nhu cầu tắm hoặc đi vệ sinh.
– Thứ hai, phòng toilet của người Nhật được trang bị các thiết bị hiện đại nên nó cần được giữ khô để đảm bảo an toàn.

Điều bất ngờ là việc tắm bồn ở Nhật cũng giống với việc tắm suối nước nóng hoặc tắm tại các phòng tắm chung. Tức là trước khi ngâm mình vào bồn tắm thì việc tắm rửa qua dưới vòi hoa sen để làm sạch người là một điều gần như bắt buộc với người dân Nhật. Việc này nhằm loại bỏ các bụi bẩn trên cơ thể và làm sạch cơ thể trước khi họ ngâm mình trong bồn tắm bởi nước được sử dụng trong bồn sẽ được tái sử dụng lại nên việc giữ nước sạch trong bồn là cần thiết. Sau khi tắm qua bằng vòi hoa sen thì người Nhật sẽ ngâm mình trong bồn tắm nước nóng với nhiệt độ khoảng 40-43 độ. Tiếp đó, họ sẽ làm sạch cơ thể với xà bông hoặc sữa tắm. Và đừng quên rửa sạch bọt xà phòng trước khi ngâm mình lại bồn tắm nhé, vì nước trong bồn sẽ được tái sử dụng lại mà.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Người Nhật sử dụng bồn tắm hàng ngày (nguồn ảnh: pakutaso.com)

9. Khi sử dụng toilet
Với quốc gia có tính kỷ luật cao như Nhật, vấn đề vệ sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Mọi thứ đều phải được phân loại và giữ vệ sinh. Vì thể, với những nơi càng dễ tiềm tàng vi khuẩn như toilet lại càng được chú ý hơn bao giờ. Trẻ em ngay từ nhỏ cũng được giáo dục những quy tắc giữ vệ sinh chung khi dùng toilet.

Ở Nhật, chủ yếu có hai loại bồn cầu là: bồn cầu kiểu Nhật (ngồi xổm) và kiểu phương Tây (ngồi bệt). Nhà vệ sinh công cộng thường có cả hai kiểu nhà vệ sinh, mặc dù một số tòa nhà cũ có thể chỉ có nhà vệ sinh kiểu Nhật, trong khi một số nơi hiện đại hơn có thể chỉ có nhà vệ sinh kiểu phương Tây. Nhà vệ sinh trong hầu hết các nhà và khách sạn hiện đại đều mang phong cách phương Tây. Cả hai kiểu nhà vệ sinh, đều có hai chế độ xả: “nhỏ” và “lớn”, khác nhau về lượng nước sử dụng. Nhiều nhà vệ sinh theo phong cách phương Tây có các tùy chọn như làm ấm chỗ, vòi sen và máy sấy tích hợp.

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Bồn vệ sinh kiểu Tây (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Một lưu ý khi sử dụng nhà vệ sinh tại Nhật đó là các nhà vệ sinh công cộng sẽ không cung cấp giấy vệ sinh, vì vậy sẽ tốt hơn nếu du khách mang theo túi khăn giấy hoặc khăn tay riêng.

10. Khi đi ăn nhà hàng
Văn hóa ứng xử luôn được coi trọng tại “đất nước mặt trời mọc”, trong đó, văn hóa ứng xử trên bàn ăn của người Nhật đóng một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Những quy tắc và lưu ý dưới đây sẽ giúp du khách hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo tại đất nước này.

Tư thế ngồi trước bàn ăn
Tại các nhà hàng Nhật, luôn có hai loại bàn chủ yếu. Một là, bàn ăn và ghế ngồi theo kiểu phương Tây. Hai là, bàn ăn kiểu truyền thống của Nhật, tức loại bàn ăn bàn thấp và không có ghế, thay vào đó khách hàng sẽ ngồi trên các tấm đệm (du khách tránh đi cả giày dép khi lên thảm cũng như dẫm chân vào gối/đệm ngồi).

tổng hợp các quy tắc ứng xử của người nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Bàn ăn kiểu Tây (nguồn ảnh: pakutaso.com)

Nhưng dù ngồi ở kiểu bàn nào thì việc ngồi ngay ngắn, có thái độ đúng đắn với nhân viên và cách ứng xử văn minh vẫn luôn là điều cần thiết khi bước vào bất kỳ nhà hàng nào.

Quy tắc ứng xử trên bàn ăn
Người Nhật rất chú trọng tới việc vệ sinh nên nhà hàng sẽ chuẩn bị sẵn các tấm giấy ăn ướt giúp các thực khách lau tay dễ dàng trước khi dùng bữa. Một số câu nói cơ bản sau sẽ giúp du khách trở nên là người lịch sự trước bàn ăn:
– Trước khi dùng bữa nên nói: “Itadakimasu” (“Mời mọi người dùng bữa”)
– Khi chúng ta được dọn món và dùng bữa trước, hoặc xin phép dùng bữa trước, ta nên nói: “Osaki ni douzo” (“Xin cứ tự nhiên”) hoặc “Osaki ni itadakimasu” (“Cho phép tôi được dùng bữa trước”)

Khi ăn bằng bát nhỏ, bạn nên đưa bát tới gần miệng rồi gắp đồ ăn. Tuy nhiên, với các loại đĩa lớn đựng đồ ăn chung, sẽ rất bất lịch sự nếu chúng ta chọc đũa lung tung vào các món ăn. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng đôi đũa khác để gắp thức ăn hoặc dùng đầu ngược lại của đôi đũa đang dùng để lấy thức ăn.

Tuyệt đối trên bàn ăn không được làm các hành động khiếm nhã như hắt hơi, xì mũi, nói to và bắn đồ ăn… các hành động này được coi là thiếu tôn trọng tới người đang dùng bữa và cũng là sự xúc phạm tới đồ ăn. Người Nhật rất coi trọng đồ ăn, do đó chúng ta nên tỏ lòng biết ơn bằng cách dùng hết và không bỏ sót hoặc thừa đồ ăn ăn nào. Nếu bạn không thích ăn món nào hoặc thành phần món ăn nào, bạn nên nói trước và thông báo với mọi người hoặc lịch sự bỏ ra một đĩa riêng tránh gây mất thẩm mỹ.

Cũng tương tự như dùng bữa, cách dùng đồ uống tại Nhật cũng có một vài nguyên tắc sau:
– Không nên dùng đồ uống trước khi có đông đủ mọi người.  
– Đừng ngần ngại rót đồ uống cho những người xung quanh đặc biệt khi dùng những đồ uống có cồn hoặc rượu
– Khi có ai muốn rót thêm đồ uống cho bạn, ta nên uống một vài hớp trước khi đưa cho họ
– Một lưu ý nữa là các nhân viên phục vụ sẽ không nhận tiền boa khách đưa vì với họ đây là hành động hạ thấp lòng tự trọng. Vì vậy, thay vì đưa tiền típ, thực khách có thể tỏ lòng biết ơn bằng lời nói “ Cám ơn” và có thái độ lịch sự với họ nhé.

Hy vọng những quy tắc ứng xử trên đây sẽ giúp chúng ta, đặc biệt là những du khách đến thăm “đất nước mặt trời mọc” hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của đất nước và con người nơi đây!

Từ khóa: Tổng hợp các quy tắc ứng xử của người Nhật mà người nước ngoài nào cũng nên biết!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Immediate Matrix