Du lich o Nhat Ban kham pha am thuc mua

Du lịch ở Nhật Bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

Với người dân Nhật Bản, mùa thu luôn được coi là quãng thời gian sung túc và phồn vinh nhất trong năm. Với khách du lịch ở Nhật Bản, đây cũng là mùa thu hoạch nhiều loại nông sản thơm ngon để tạo nên nhiều món ăn đậm đà nóng hổi không thể bỏ qua trong hành trình.

    1. Thưởng thức cá Sanma nướng muối khi du lịch ở Nhật Bản

    🔗1. Thưởng thức cá Sanma nướng muối khi du lịch ở Nhật Bản

    Món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình người Nhật Bản vào mùa thu chính là món cá Sanma nướng, loại cá thu đao chỉ được đánh bắt đặc biệt vào mùa thu. Không phải tự nhiên mà loại cá này được người dân Nhật đánh bắt theo mùa. Lý do là thịt cá Sanma vào mùa thu sẽ có hương vị thơm ngon nhất. Thời điểm này, tiết trời bắt đầu chuyển lạnh, các loại động vật, trong đó có cả loài cá Sanma sẽ di chuyển tới khu vực có nguồn thức ăn phong phú nhằm tích một lớp mỡ dày làm năng lượng cho mùa đông lạnh giá sắp tới. Do đó thịt của loại cá Sanma lúc này sẽ trở nên mềm và béo ngậy.

    Thịt cá chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Mỡ cá chứa EPA và DHA, là những chất có khả năng phòng chống các bệnh như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. EPA và DHA cũng có tác dụng chống béo phì và các tác nhân gây bệnh ung thư. Ngoài ra, trong cá sanma còn chứa rất nhiều các vitamin tốt, có chức năng hòa tan mỡ như vitamin A, vitamin E và vitamin D.

    Ngoài cách thưởng thức sống như món sashimi thì nướng cá trên bếp than hoa rắc lên một chút muối sẽ là cách tốt nhất để giữ được các chất dinh dưỡng trong thịt cá, cũng như thưởng thức được hương vị thuần túy nhất của món ăn. Thịt cá trắng phau tươi rói do được nướng trên than hoa sẽ mang thêm một chút mùi thơm của khói là một món ăn vô cùng thích hợp trong tiết trời thu se lạnh. Cá Sanma nướng thường được ăn kèm với củ cải trắng bào và cơm nóng. Khi ăn, bạn hãy nhớ dùng dùng đũa tách thịt cá từ phần sống lưng để lấy được những thớ thịt tươi ngon ngậm nước mà không bị nát.

    2. Súp nấm Matsutake

    🔗2. Súp nấm Matsutake

    Matsutake, tên khoa học Tricholoma Matsutake, là một loài nấm đặc biệt khan hiếm, chỉ được tìm thấy tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Phần Lan hay Hoa Kỳ. Loại nấm ẩn mình sau lá thông đỏ khó tìm này có mức giá lên tới 2.000 USD một kg.

    Sở dĩ Matsutake đắt đỏ đến thế bởi chúng chỉ sinh sôi tự nhiên vào mùa thu trên các thân cây thông thuộc vùng núi Kyoto, Aomori, Fukushima,… Để thu hoạch loại nấm này, các công ty phải thu mua nguyên mảnh rừng thông và cử nhân viên tới hái khi nấm chín.

    nhật bản, châu á, du lịch ở nhật bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Súp nấm Matsutake được phục vụ trong một chiếc ấm là món ăn không thể bỏ qua khi du lịch ở Nhật Bản. Ảnh: justonecookbook

    Nếu có cơ du lịch ở Nhật vào đúng mùa thu hoạch nấm thì du khách nhất định phải nếm thử món súp nấm Matsutake. Khá tương đồng với các món ăn khác trong ẩm thực Nhật Bản, nước dùng của món nấm Matsutake được chế biến rất thanh với cá ngừ bào, tảo bẹ và một chút hải sản như vài lát cá hồi tươi, ngao và tôm. Món súp thường được đựng trong một bình trà nhỏ, trước khi thưởng thức du khách chỉ cần vắt thêm một chút chanh để món ăn giữ được hương vị đặc trưng nhất của nấm Matsutake.

    3. Kabocha

    🔗3. Kabocha

    Kabocha là tên gọi của loại bí đỏ Nhật Bản. Khác với các loại bí đỏ khác, Kabocha có vỏ ngoài màu xanh, khá xù xì chứ không phải màu đỏ. Các quả bí thường khá nhỏ và cầm chắc tay, thành ruột cũng đặc hơn các loại bí đỏ thường thấy.

    Nhiều người sau khi thưởng thức đã nói Kabocha có vị ngọt, bùi và quánh dẻo như sự hòa trộn giữa bí đỏ và khoai lang. Chính vì vậy, người Nhật thường ưa dùng Kabocha trong những món hầm như súp hoặc cà ri. Sau khi chế biến xong, các miếng bí gần như giữ được hình dáng ban đầu, không bị bở nát. Khi những miếng bí đỏ bắt đầu xuất hiện trong bữa cơm gia đình cũng là lúc người Nhật biết rằng thu đang sắp sang và chỉ một thời gian nữa thôi, những mảnh rừng xanh mướt của mùa hè sẽ trở mình thành một màu đỏ cam ấm áp tuyệt đẹp.

    nhật bản, châu á, du lịch ở nhật bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Bí Kabocha nấu cà-ri. Ảnh: veganmiam.com

    4. Nabemono

    🔗4. Nabemono

    Mùa thu đến, khi tiết trời dần chuyển lạnh thì không còn gì tuyệt vời hơn cùng gia đình, người thân quây quần quanh một nồi Nabemono nóng hôi hổi. Nói đơn giản thì Nabemono chính là món lẩu kiểu Nhật. Xuất hiện lần đầu tiên vào thời đại Jomon. Nguồn gốc tên gọi của món Nabemono cũng đơn giản bắt nguồn chính từ chiếc chảo sâu lòng được vây quanh bếp lửa luôn được dùng để nấu ăn – một biểu tượng của gia đình sum họp đầm ấm.

    Mỗi một nồi Nabemono thường có hai thành phần chính là nước dùng và các nguyên liệu thả lẩu. Nước lẩu được chế biến từ cá bào khô, tảo bẹ, rượu ngọt mirin sau đó thêm vào nước tương hoặc chút muối để tạo lên nước vị thanh ngọt như vị lẩu Yudofu hoặc đậm đà như vị lẩu Sukiyaki. Điểm nhấn đặc biệt nhất của nước dùng Nabemono chính là sự đơn giản và thanh đạm chứ không béo và ngậy mỡ như các loại nước dùng được chế biến từ xương động vật ninh. Loại nước dùng nhẹ nhàng này sẽ giúp cân bằng lại vị giác của người ăn với những nguyên liệu thả lẩu đầy bổ dưỡng, khiến món ăn vừa hài hòa lại không chóng ngấy.

    Từ xưa tới nay, như một thói quen, người Nhật Bản thường phân các loại thức ăn thành 5 màu sắc đó chính là Đỏ, Trắng, Xanh lục, Vàng, Đen. Nguyên nhân của thói quen này không phải chỉ phát sinh từ tín ngưỡng của người châu Á mà còn do người Nhật quan niệm rằng, việc tạo ra món ăn từ 5 loại nguyên liệu này sẽ giúp món ăn vừa đẹp mắt mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng. Và tất nhiên là món Nabemono cũng không hề ngoại lệ.

    nhật bản, châu á, du lịch ở nhật bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Nhóm nguyên liệu Đỏ thường là các thực phẩm cung cấp lượng chất đạm và chất béo cao cho cơ thể như thịt bò, heo, bò, gà, cá hồi, tôm… Nhóm nguyên liệu trắng gồm các loại thức ăn chứa nhiều tinh bột như mì udon, cơm trắng, ngoài ra còn có các loại thịt trắng như cá, cua, lươn, đậu phụ, củ cải, hành củ,…. Nhóm thức ăn này là nguồn cung tinh bột và khoáng chất, vitamin chính cho cơ thể con người. Tiếp đó, không cần kể tên thì chắc hẳn nhiều người cũng có thể liên tưởng ra nhóm Xanh lục là các loại rau như bông cải, cải bó xôi, cải thảo, bắp cải,… cung cấp lượng chất xơ dồi dào. Nhóm Vàng bao gồm các sản phẩm được làm từ đậu nành, đậu tương như đậu hũ, miso, ngoài ra còn có quýt yuzu, bí đỏ, trứng gà, chanh vàng,… Cuối cùng,nhóm Đen là những nguyên liệu giàu chất khoáng với lượng calo thấp như nấm hương, mộc nhĩ, rong biển, tảo bẹ, thạch konnyaku,…

    Không chỉ dừng lại ở đấy, cách thưởng thức món lẩu của người Nhật bản cũng vô cùng độc đáo. Một quả trứng gà tươi mới sẽ được đưa lên, người dùng sẽ đập trứng vào bát và đánh cho tới khi lòng trắng và lòng đỏ trứng quyện vào với nhau. Những nguyên liệu ngay khi vừa được gắp ra khỏi nồi nước dùng nóng hổi sẽ được chấm vào trong bát trứng sống kia. Lúc này hơi nóng từ thức ăn sẽ làm chín lớp trứng bao quanh. Chính cách ăn này sẽ khiến món ăn vào miệng càng thơm ngon hấp dẫn. Những du khách chưa từng thưởng thức lẩu theo món này có thể sẽ quan ngại với việc trứng sống có thể tạo nên mùi tanh hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên những quả trứng gà này đều được lựa chọn tươi ngon nhất, đảm bảo hoàn toàn an toàn khi ăn sống. Còn nếu du khách không thể ăn trứng sống thì có thể thay thế bằng nước chấm được làm từ xì dầu, thêm với một chút dấm và vừng trắng rang thơm phức.

    Dù có được chế biến theo cách nào đi chăng nữa, thì Nabemono vẫn là một món ăn được người dân Nhật Bản ưu ái lựa chọn trong những bữa tiệc quây quần gia đình, những bữa tiệc chiêu đãi vì nó không chỉ giàu chất dinh dưỡng, mà còn là món ăn gắn kết tình thân, giúp con người chia sẻ những câu chuyện vui buồn và kéo gần thêm mối quan hệ của mọi người.

    5. Rượu sake Hiyaoroshi và Akiagari

    🔗5. Rượu sake Hiyaoroshi và Akiagari

    Đã nhắc tới đồ ăn thì cũng không thể quên nhắc tới rượu sake, thứ đồ uống không thể vắng bóng trong những bàn tiệc xã giao hay những bữa cơm trong các dịp quan trọng của người Nhật.

    Khá giống với thực phẩm, các loại sake cũng có mùa của nó. Ví dụ như sake nóng cho mùa đông, sake nama không qua ủ cho mùa xuân và sake ướp lạnh cho mùa hè nóng nực. Và theo ý kiến khách quan của nhiều người đã từng đặt chân tới đất nước Nhật Bản, thì thưởng thức sake vào mua thu có lẽ sẽ đem lại hương vị tuyệt vời nhất.

    nhật bản, châu á, du lịch ở nhật bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Rượu sake mùa thu. Ảnh: Unsplash

    Hiyaoroshi và Akiagari là loại rượu sake được sản xuất vào mùa đông. Sau đó rượu sẽ được đun sôi nhằm tiệt trùng để đảm bảo không bị hỏng trong quá trình lên men vào mùa hè, khi mà nhiệt độ thời tiết tăng cao. Sau khi trải qua quá trình ủ rượu trong mùa hè, mùi tươi mới của rượu sake sẽ giảm bớt và thay vào đó trở nên cân bằng và thơm dịu hơn. Khi đó rượu sẽ được thanh trùng thêm một lần nữa và cho ra loại sake với tên gọi là Akiagari. Tương tự với Akiagari được trải qua giai đoạn ủ suốt mùa hè và được phân phối vào mùa thu, nhưng điểm khác biệt duy nhất chính là Hiyaoroshi không trải qua quá trình thanh trùng rượu lần hai. Nhưng chính điểm khác biệt này khiến cho Hiyaoroshi sake có hương vị tươi mới hơn những loại sake khác.

    Do hai loại sake này được sản xuất với số lượng có hạn và chỉ được phân phối vào mùa thu nên đây cũng là một dấu hiệu giúp những người Nhật sống cuộc sống hiện đại và bận rộn nhận ra rằng mùa thu đang đến gần. Hiếm là thế, nên du khách càng không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức hai loại rượu này khi đi du lịch ở Nhật Bản.

    6. Củ quả mùa thu

    🔗6. Củ quả mùa thu

    Mùa thu chính là mùa vàng của nông vụ, khi những loại củ quả tươi ngon chín trĩu cành một màu vàng ươm của nắng. Nếu có dịp ghé thăm đất nước mặt trời mọc vào dịp này, du khách nhớ tìm mua những loại củ quả sau để có thể thưởng thức trọn vẹn vị thu trong ẩm thực Nhật Bản.

    Đầu tiên không thể không nhắc đến Hoshigaki, món hồng khô. Những trái hồng chín sau khi thu hoạch sẽ được treo ngoài trời trong vòng vài tuần cho tới khi khô hẳn. Chu trình chế biến này sẽ kết thúc khi đường ở trong quả hồng khô lại và kết tinh thành một lớp bột mỏng màu trắng bao quanh thân quả. Không giống như những loại quả sấy khác sẽ giòn và dai, món hồng khô Hoshigaki sẽ chỉ ngon nếu khi cắn vào trái hồng, ta cảm nhận thấy được vị ngọt mềm như tan ra trong miệng. Món quà vặt này thường được đóng trong những chiếc hộp với thiết kế sang trọng và được người Nhật dùng làm quà biếu.

    Khoai lang Nhật với thịt khoai vàng bóng cũng là một món ăn ưa thích vào mùa thu khi đi du lịch ở Nhât. Du khách có thể thưởng thức những củ khoai nướng bốc khói nghi ngút tại những xe đồ ăn vặt hoặc cũng có thể thưởng thức món kẹo khoai ăn kèm trong bữa cơm. Cách chế biến món kẹo khoai ăn vặt này cũng rất đơn giản. Khoai lang sau khi làm sạch, gọt vỏ sẽ được cắt thành những miếng vừa ăn. Người đầu bếp sau đó sẽ chiên khoai ngập dầu cho tới khi những miếng khoai đạt đến độ vàng giòn. Và cuối cùng là đảo khoai trong hỗn hợp sốt mạch nha và đường đã được đun sôi. Khi trình bày ra đĩa có thể rắc lên trên một chút vừng ra cho đẹp mắt. Món kẹo khoai lang khi thưởng thức sẽ có lớp vỏ giòn giòn của kẹo mạch nha và nhân khoai thơm bùi.

    nhật bản, châu á, du lịch ở nhật bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Kẹo khoai lang vàng ruộm rắc thêm một chút mè rang. Ảnh: Pinterest.com

    Món ăn vặt cuối cùng của mùa thu chính là món hạt dẻ của Nhật. Những chiếc hạt dẻ tròn tròn cỡ đầu ngón tay với vỏ màu nâu đen căng bóng vô cùng thích mắt được thu hoạch và dùng để hấp, rang, ngào đường hoặc làm cơm hạt dẻ.

    Với những món ăn mùa thu hấp dẫn như trên, du khách còn ngại ngần gì mà không ghé qua ngay chúng mình để book những tour mùa thu với giá cả vô cùng hợp túi để trải nghiệm ẩm thực của đất nước Mặt trời mọc trong tiết trời lá đỏ đẹp tuyệt vời.

    Từ khóa: Du lịch ở Nhật Bản khám phá ẩm thực mùa thu đặc sắc

    Leave a Comment

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    Immediate Matrix